1. Lễ hội đền Tử Hả 

    Đền Từ Hả thuộc xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, hàng năm tại đây tổ chức lễ hội tưởng nhớ tướng quân Thân Cảnh Phúc. Đây là phò mã của công chúa Thiên Thành( thời vua Lý Nhân Tông), người có công trong cuộc chống quân Tống xâm lược thế kỷ thứ XI( 1075-1077).

    Lễ hội được tổ chức vào mùng 6 đến mùng 8 tháng giêng âm lịch. Trong đó có phần dâng hương tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc và rước hội, nhằm tái diễn lại sự tích đi đánh giặc của ông. Chính phần rước hội này đã tạo nên nét độc đáo của lễ hội đền Từ Hả. Đây là lễ hội được đánh giá cao bởi tính giáo dục mà nó đem lại. Lễ hội giúp ôn lại quá khứ hào hùng của dân tộc, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn và công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước của ông cha ta. Từ đó giáo dục thêm lòng yêu quê hương hơn của thế hệ trẻ.

  2. Hội đình Thổ Hà 

    Hội đình Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang) được tổ chức vào ngày 19 đến 21 tháng Giêng hằng năm. Tuy nhiên phải 3 năm nhân dân trong vùng mới lại tổ chức lễ rước một lần. Đình Thổ Hà là ngôi đình nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa, được biết đến như một công trình điêu khắc nghệ thuật công phu và độc đáo. Đình được xây dựng để thờ Thành Hoàng làng.

    Lễ hội đình Thổ Hà hoàn chỉnh gồm 2 phần. Phần lễ rước được tổ chức một cách quy mô, bài bản để đón Thánh về dự hội cùng dân làng. Cầu xin Thánh phù hộ cho dân làng một năm mới dồi dào sức khỏe, làm ăn phát đạt, xóm làng yên vui, gia đình hạnh phúc. Phần hội bao gồm những trò chơi dân gian như: chọi gà, bơi trải, đấu vật, chơi cờ, chèo thuyền bắt vịt… nhưng tiêu biểu nhất phải nói đến đó là hát quan họ. Hội đình Thổ Hà trở thành niềm tự hào của của người dân Bắc Giang. Nó đã và đang làm giàu thêm cho kho tàng văn hóa Việt.

  3. Hội chùa Bổ Đà 

    Hội chùa Bổ Đà được tổ chức từ ngày 16 đến 18 tháng 2 âm lịch hàng năm. Lễ hội diễn ra tại khu vực núi Bổ Đà, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên. Là một chùa cổ được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng, dưới triều vua Lê Dụng Tông( 1705-1728) niên hiệu Bảo Thái( 1720-1729). Đến nay chùa Bổ Đà không chỉ là nơi lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, mà còn là nơi thờ phụng thường xuyên của người dân Kinh Bắc nói riêng cũng như cả nước nói chung.

    Đến với hội chùa Bổ Đà người ta sẽ được hiểu thêm về phật pháp của thiền phái Trúc Lâm và khám phá nét kiến trúc truyền thống độc đáo của người Việt cổ. Lễ hội cho chúng ta đắm chìm trong những câu quan họ ngọt ngào của miền Kinh Bắc.

  4. Hội Xương Giang 

    Hội Xương Giang là một lễ hội khá đặc biệt ở Bắc Giang. Lễ hội mới chỉ được bắt đầu lại từ năm 1998, nhưng đến nay nó đã trở thành một nét văn hóa đẹp của tỉnh nhà. Lễ hội đề cao giá trị lịch sử, giáo dục mà nó đem lại. Lễ hội được bắt nguồn từ chiến thắng Chi Lăng- Xương Giang năm 1427 của quân dân Đại Việt chống lại và đập tan gần 10 vạn quân Minh xâm lược. Nó giúp tái hiện lại chiến công hào hùng của dân tộc bằng những hình tượng văn hóa đặc sắc.

    Lễ hội được tổ chức vào mồng 6, 7 tháng giêng âm lịch hàng năm. Nó gây ấn tượng lớn trong cả nước. Bởi lễ hội quy tụ những đoàn rước từ khắp các miếu, đình, đền trong vùng. Đoàn rước làng Kế, đoàn rước làng Thành, đoàn rước thôn Yên Hòa, đoàn rước xã Đa Mai... tất cả cùng tập trung về trung tâm khai hội nơi lễ chào cờ, lễ đọc diễn văn, đọc" Đại cáo bình Ngô " và lễ múa ra quân được tiến hành. Sau khi phần lễ kết thúc, các làng Thành và làng Vẽ tổ chức hội làng của mình với các các trò chơi dân gian như: cờ tướng, hát chèo nhà chùa, dâng hương lễ phật, tế thành hoàng...

  5. Hội đền Suối Mỡ 

    Suối Mỡ (huyện Lục Nam) là địa điểm du lịch nổi tiếng của Bắc Giang. Nơi kết hợp 2 loại hình du lịch: nghỉ dưỡng và tâm linh. Nói đến du lịch tâm linh ở Suối Mỡ là người ta nhớ ngay đến hội đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Hội của cả ba đền đều được tổ chức vào mùng 1 tháng 4 âm lịch hàng năm. Nhằm tưởng nhớ công chúa Quế Mỵ Nương- con gái vua Hùng Định Vương, người có công giúp dân khơi nguồn suối lấy nước làm ruộng, làm nương, xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc cho dân làng.

    Hội đền suối Mỡ gồm 2 phần: lễ rước của người dân làng Dùm, làng Quỷnh. Phần hội với các cuộc thi bắn cung, võ dân tộc, đi quyền, múa côn, múa kiếm, múa đa... Tối đến trong đền lại biểu diễn hát chầu văn cho khách thập phương thưởng thức.

  6. Hội chùa Vĩnh Nghiêm 

    Hội chùa Vĩnh Nghiêm hay hội chùa La được được tổ chức vào ngày 14 tháng 2 âm lịch hàng năm, tại thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng. Vĩnh Nghiêm là ngôi chùa cổ lớn có giá trị văn hóa hàng đầu Bắc Giang nói riêng cũng như trong cả nước. Chùa được xây dựng từ thời Lý, Trần (thế kỷ XII- XIII) thuộc dòng Thiền phái Trúc Lâm.

    Trong ngày hội chùa, các tăng ni, phật tử từ nhiều nơi về chùa thắp hương tụng kinh, niệm phật ở Tam Bảo. Nhân dân trong vùng cũng như khách thập phương cũng nô nức kéo về vui hội và thắp hương cầu may cho năm mới.

  7. Lễ hội đền Dành xã Việt Lập và Liên Chung, huyện Tân Yên  

    Núi Dành hay còn gọi là núi Chung Sơn, là một khối núi lớn ở phía đông huyện Tân Yên. Thế núi uyển chuyển hùng vỹ. Đỉnh cao nhất của núi cách mặt nước biển đến hàng trăm mét. Nơi đây, chủ yếu trồng thông, keo, bạch đàn. Đặc biệt là rừng thông 70 năm tuổi quanh năm xanh mát, soi bóng xuống dòng sông Thương thơ mộng. Đền Dành toạ lạc trên đỉnh núi Dành. Đền có từ thời Lê, trải qua nhiều lần trùng tu xây dựng, đền có dáng vẻ như ngày nay. Tại đây thờ đức thánh Cao Sơn- Quý Minh, những người có công giúp vua Hùng Vương thứ 18 đánh giặc giữ nước.


    Lễ hội đền Dành được tổ chức vào ngày 19, 20 tháng giêng hàng năm. So với nhiều đình, đền khác, đền Dành không có gì đặc biệt ở kiến trúc hay quy mô đồ sộ. Song hàng năm lượng khách thập phương đến thăm quan vẫn rất đông, nhất là thanh niên nam nữ đến cầu tình duyên. Có lẽ chính bởi phong cảnh núi non kỳ vỹ, nên thơ và tương truyền về sự linh thiêng của đền Dành, nên lượng phật tử hàng năm đến đây cũng rất đông.

  8. Hội đình Vồng xã Song Vân, huyện Tân Yên 

    Đình Vồng toạ lạc trên một khu đất cao, thuộc xã Song Vân, huyện Tân Yên. Nơi đây thờ đức thánh Cao Sơn-Quý Minh và 18 vị quận công thời Mạc, là người địa phương thuộc dòng họ Dương. Đình Vồng có quy mô lớn, kiến trúc và điêu khắc tinh xảo. Xưa kia nhiều thủ lĩnh phong trào nông dân Yên Thế thường về đây tế cờ, xin thần linh phù hộ để làm lễ xuất quân. Khi Tôn Thất Thuyết được triều đình cử lên đánh dẹp cuộc khởi nghĩa Đại Trận cũng lên đình Vồng bái lạy.


    Lễ hội đình Vồng là một lễ hội có từ lâu đời, được tổ chức hàng năm vào ngày 15, 16 tháng giêng âm lịch hàng năm.

    Đến đây trong ngày hội, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cuộc rước hoành tráng, trang nghiêm, xem lễ tế ngựa cùng bài văn tế đặc sắc. Ngoài ra du khách còn có thể tham gia thi đấu các môn thể thao và các trò chơi dân gian vui nhộn: vật, múa võ, đua ngựa, bắn cung nỏ, đu, chọi gà, đánh cờ, đánh phết, thi thả diều, thi chạy chữ...

  9. Hội Tiên Lục 

    Hàng năm, cứ đến mùng 9 tháng giêng âm lịch, nhân dân Tiên Lục lại mở hội vui xuân. Hội Tiên Lục diễn ra chủ yếu ở khu vực đình Viễn Sơn, đình Thuận Hoà và chùa Phúc Quang, tạo không gian rộng lớn cho lễ hội. Đến hội Tiên Lục trong cảnh sắc mùa xuân, núi đồi xanh thắm nên thơ. Bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi hình ảnh cây Dã Hương ngàn năm tuổi bên mái đình Viễn Sơn (còn gọi là đình Cây Dã), vẫn sừng sững theo năm tháng.

    Vào ngày hội, không những nhân dân trong vùng, du khách thập phương, mà con cháu của địa phương đi làm ăn xa từ khắp các nơi cũng về trảy hội. Tạo nên không khí vô cùng náo nhiệt. Sau khi cuộc rước đông vui là lễ tế thánh Cao Sơn uy nghiêm- người được thờ ở đây. Tiếp đến là hàng loạt các trò vui được tổ chức như: cuộc thi cướp cầu, thi kéo chữ, đánh đu, kéo co, vật, chọi gà... Ngoài ra hội tổ chức cuộc thi cỗ. Dự cỗ hương ẩm gồm các món: xôi, thịt lợn, lòng lợn, rau, củ mỡ nấu xương, canh... thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

    Trên đây là một vài lễ hội đặc sắc của tỉnh Bắc Giang, những lễ hội này mang giá trị lịch sử, văn hóa ngàn năm của dân tộc, tất cả đều cần được gìn giữ và phát huy.